Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe về mài kẽ khi niềng răng. Nhưng bạn đã hiểu rõ mài kẽ là gì chưa? Tại sao phải mài kẽ? Các trường hợp cần mài kẽ là gì? Cần lưu ý gì sau khi mài kẽ không? Đây có lẽ cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về mài kẽ răng, giúp bạn hiểu rõ hơn nhé.
Mục lục
Thế nào là mài kẽ?
Mài kẽ hay còn được gọi là cắt kẽ, là một kỹ thuật nha khoa, có tên tiếng anh là Interproximal Reduction (IPR). Các bác sĩ sẽ tiến hành mài hai bên cạnh của răng nhằm thu gọn kích thước đồng thời tạo khoảng trống giúp răng di chuyển thuận lợi hơn. Kỹ thuật này được chỉ định thực hiện nhằm đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.
Với thủ thuật này, men răng ở hai cạnh bên được mài bớt trong tỷ lệ cho phép, khoảng từ 0.3 – 0.5mm trước khi niềng răng. Nếu mài quá nhiều sẽ gây ê buốt răng. Số lượng răng cắt kẽ cũng không giống nhau, bởi tình trạng răng, hình thể, kích thước răng mỗi người là khác nhau. Thông thường, răng cắt kẽ sẽ dao động từ 4 – 10 răng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Mài kẽ răng còn giúp tạo hình, hạn chế được khe hở ở phần nướu, làm tròn đều cung răng.
Tại sao phải mài kẽ?
Nếu bạn thắc mắc tại sao cần mài kẽ răng trước khi niềng răng thì câu trả lời chính là kỹ thuật này vừa giúp tạo hình thẩm mỹ cho răng, vừa tạo khoảng trống cần thiết để răng dịch chuyển về đúng vị trí trên cung hàm.
Tuy nhiên bạn cũng không cần lo lắng vì không phải ai cũng phải mài kẽ răng. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ chỉ định có cần mài kẽ hay không. Với tình trạng răng thưa, giữa các răng đã có sẵn khoảng trống nên việc nhổ răng hay mài kẽ là không cần thiết nữa. Nhưng có nhiều trường hợp, kích thước răng không đồng đều, răng mọc chen chúc, lộn xộn hay răng có tam giác nướu thì bác sĩ sẽ chỉ định mài kẽ răng.
Để biết chính xác trường hợp của mình có phải mài kẽ không, bạn nên tìm đến nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
Những trường hợp nào cần mài kẽ?
Sau đây là một vài trường hợp cần mài kẽ khi niềng răng:
Răng có tam giác đen: Đây là khe hở giữa các răng, đặc biệt là vùng răng cửa phía trước. Tam giác nướu không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên nó ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của hàm răng, sự tự tin khi cười, giao tiếp cho người sở hữu.
Kích thước răng không đều: Mài răng giúp thu gọn kích thước những chiếc răng quá to và mang lại sự đều đặn nhất cho các răng. Ngoài ra còn giúp tạo khoảng trống vừa phải giúp răng dễ dàng xoay chuyển.
Hình thể răng không đẹp: Răng có hình xẻng, hình thang, hình tam giác,… Mài kẽ răng giúp răng có được hình dáng đúng chuẩn nhất, không bị lệch lạc. Đồng thời cũng tạo kẽ hở chân răng khi niềng, giảm khả năng sâu răng, duy trì độ vững chắc của khung hàm.
Răng mọc chen chúc nhẹ, hô nhẹ: Trường hợp này không phải nhổ răng lấy khoảng trống thì mài kẽ là lựa chọn phù hợp nhất.
Quy trình mài kẽ diễn ra như thế nào?
Bước 1: Thăm khám, chụp X-quang
Bác sĩ sẽ thăm khám một cách cụ thể nhất. Nếu thấy cần phải mài kẽ răng thì bác sĩ sẽ xác định xem cần mài những răng nào và mài khoảng bao nhiêu milimet.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Trước khi tiến hành mài răng, cần làm sạch khoang miệng và hàm răng, đảm bảo quá trình mài kẽ diễn ra thuận lợi, an toàn.
Bước 3: Tiêm thuốc tê lên toàn bộ khung hàm
Điều này giúp bạn tránh được cảm giác ê buốt trong quá trình mài.
Bước 4: Tiến hành mài răng
Bác sĩ sử dụng máy mài nha khoa để mài đi phần cổ, thân, cạnh rìa cắn của răng theo tỉ lệ nhất định đã tính toán trước đó.
Bước 5: Hoàn thành và kiểm tra
Kiểm tra lại tình trạng răng đã mài. Sau đó tiến hành các bước niềng răng tiếp theo.
Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ chuyên môn phải thực hiện theo một tỷ lệ nhất định để không gây tổn thương mô mềm và không xâm lấn nhiều tới mô răng gốc.
Tỷ lệ mài kẽ chuẩn cho các răng như sau:
Với răng cần mài là răng cửa và răng nanh thì tỉ lệ mài răng tối đa như sau:
- Phần cổ răng: 0.6mm – 0.8mm
- Thân răng: 1mm – 1.3mm
- Cạnh rìa cắn: 1.2mm – 1.6mm
Với răng cần mài là răng hàm thì tỉ lệ mài răng tối đa như sau:
- Cổ răng: 0.6mm – 0.8mm
- Phần thân răng: 1.3mm – 1.6mm
- Cạnh rìa cắn: 1.4mm – 1.8mm
Mài kẽ có ảnh hưởng gì không?
Mài kẽ răng là quá trình mà bác sĩ phải có được sự tính toán tỷ lệ mài một cách hợp lý nhất để không ảnh hưởng đến tủy hay cấu trúc bên trong răng cũng như sức khỏe răng miệng của bạn. Trước khi mài kẽ, bạn đã được tiêm tê nên trong quá trình mài sẽ không có cảm giác ê răng, mọi thứ diễn ra hoàn toàn tự nhiên, thoải mái.
Mài kẽ răng hoàn toàn không gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi mài kẽ được thực hiện ở phần men răng ngoài cùng với tỷ lệ rất nhỏ, không được quá 2mm nên không xâm lấn đến ngà răng hay tủy răng. Sau khi mài kẽ răng, bác sĩ sẽ bôi cho bạn một lớp vecni fluor để chống sâu răng, tái khoáng hóa men răng và chống ê buốt. Nếu bạn cảm thấy hơi ê nhẹ khi thực hiện thì cảm giác này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng hết ngay sau đó.
Do vậy chỉ cần chọn địa chỉ nha khoa uy tín và thực hiện đúng theo chỉ dẫn, mọi người không cần phải lo lắng sau khi mài kẽ sẽ làm răng bị yếu đi, đau buốt hay gây sâu răng.
Sau khi mài kẽ răng khoảng vài ngày, bạn cảm thấy răng nhạy cảm, ê, dễ bị kích thích khi ăn nóng, lạnh dù trước kia răng hoàn toàn khỏe mạnh hay chức năng ăn nhai suy giảm, răng dễ xỉn màu,… Nguyên nhân có thể do tay nghề bác sĩ kém, thực hiện sai kỹ thuật, mài răng quá sâu,… Tốt nhất là bạn nên tới một nha khoa khác uy tín hơn để bác sĩ khắc phục tình trạng này nhé.
Những lưu ý khi mài kẽ chỉnh nha
Mài kẽ răng để niềng là kỹ thuật khá thường gặp. Vì vậy nếu được chỉ định thực hiện thì bạn cũng đừng quá lo lắng mà hãy lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo mài kẽ an toàn, hiệu quả khi niềng.
Lưu ý trước khi mài kẽ răng
Trước khi thực hiện bất cứ một thủ thuật nào đó, bạn nên tìm hiểu kĩ các kiến thức về mài kẽ răng, niềng răng, các trường hợp cần mài kẽ răng,…trên các trang mạng điện tử, trong các hội, nhóm trên Facebook,…
Đồng thời, tìm hiểu luôn về địa chỉ nha khoa uy tín trên các website, fanpage, diễn đàn, hội nhóm,… Đọc các bài review về chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, cách chăm sóc khách hàng, đặc biệt là trình độ, chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại nha khoa đó. Giữa một rừng thông tin, bạn nên chọn lọc những điều phù hợp với nguyện vọng, mục đích của bạn. Tránh những bài viết mang tính chất quảng cáo trá hình, sai sự thật, ảnh hưởng tới lựa chọn đó. Việc này đảm bảo mài kẽ sẽ được thực hiện bởi những bác sĩ có tay nghề cao cũng như các trang bị hiện đại và có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ những quy chuẩn nghiêm ngặt về tỉ lệ mài, các bước thực hiện.
Để mài kẽ được, bạn cần có phần men răng tốt, khỏe. Mài kẽ răng cũng không dành cho các bạn nhỏ vì buồng tủy răng tương đối lớn và lúc này răng vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Mài kẽ có thể khiến men răng sau này bị nhạy cảm hơn bình thường. Những người bị mòn răng, thiếu sản men răng cũng không nên mài kẽ bởi men răng đang yếu và mỏng, nếu mài thêm hoặc mài không đúng tỷ lệ sẽ làm tăng nguy cơ nhạy cảm cho răng.
Đọc thêm: Tại Hà Nội, niềng răng ở đâu uy tín?
Lưu ý sau khi mài kẽ răng
Trong trường hợp sau khi mài kẽ xong, bác sĩ không tái khoáng hóa men răng thì bạn hãy yêu cầu bác sĩ thực hiện tái khoáng. Việc này sẽ giúp bề mặt răng cứng hơn, bảo vệ men răng.
Bạn chú ý chăm sóc răng miệng thật tốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh trường hợp răng bị sâu và viêm nhiễm. Vệ sinh răng miệng 2 lần mỗi ngày, sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Tốt nhất là bạn nên ăn các loại thực phẩm mềm, mịn, lỏng như cháo, súp, sinh tố, thịt băm viên, sữa chua, phô mai, bơ, sữa,…vừa dễ ăn lại vừa đủ chất dinh dưỡng. Không ăn những đồ quá cứng, quá dẻo, dính như sụn, gân, kẹo cao su, mía, táo, ổi,… Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và những thứ có màu như cà phê, sốt cà chua,…
Mài kẽ tuy là một thủ thuật đơn giản nhưng bạn cũng không nên chủ quan mà cần tìm được địa chỉ nha khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn giỏi để thực hiện.
Theo: Bacsiducniengrang.com