Với các sai lệch về khớp cắn hay khuyết điểm của răng như khấp khểnh, lệch lạc thì niềng răng mắc cài chính là phương pháp khắc phục được hiệu quả những tình trạng trên. Tuy nhiên, khi đeo niềng sẽ không tránh khỏi những sự cố có thể xảy ra như bung, tuột mắc cài, giắt thức ăn,… Trong trường hợp dây cung thừa ra đâm vào má thì xử lý như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Dây cung niềng răng là gì?
Dây cung niềng răng là khí cụ chỉnh nha rất quan trọng và không thể thiếu khi thực hiện phương pháp niềng răng bằng mắc cài. Dây cung có cấu tạo mảnh và được đặt vào trong rãnh của mắc cài gắn trên thân răng. Vai trò của dây này là tạo ra lực kéo giúp điều chỉnh các răng xô lệch về vị trí chuẩn trên cung hàm.
Dây cung và các khí cụ chỉnh nha như lò xo, thun chuỗi sẽ giúp quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả tối đa nhất. Ở mỗi giai đoạn niềng răng, dây cung sẽ có công dụng khác nhau. Kích thước của dây cũng sẽ có sự thay đổi như ở giai đoạn đóng khoảng được thay bằng dây cung có độ cứng và tiết diện dây to hơn nhằm tăng lực siết trong quá trình chỉnh nha. Công dụng của dây cung trong từng giai đoạn có thể kể đến như:
- Giai đoạn dàn đều răng: Dây cung được sử dụng trong giai đoạn đầu phải có độ cứng thấp, độ đàn hồi cao. Do đó loại dây lý tưởng để sử dụng là dây cung Niti. Công dụng chính là dàn đều răng, nắn chỉnh răng dịch chuyển dần về vị trí chuẩn cung hàm để dễ dàng thực hiện các bước chỉnh nha tiếp theo.
- Giai đoạn đóng khoảng trong niềng răng: Đây là giai đoạn quan trọng nhất, giúp người niềng răng thấy rõ được sự thay đổi của răng và khuôn mặt. Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 – 8 tháng. Dây cung được sử dụng để điều chỉnh răng phía trước và chỉnh lại sự chênh lệch giữa hai hàm. Giai đoạn này dễ gặp biến chứng nhất trong quá trình chỉnh nha nên đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có chuyên môn cao. Loại dây cung phù hợp là dây Stainless Steel, có độ cứng hơn dây Niti. Mục đích là tăng lực siết mạnh hơn, đóng kín các khoảng trống.
Xem chi tiết về: Giai đoạn đóng khoảng trong niềng răng
- Giai đoạn chỉnh khớp cắn và duy trì: Nếu 2 giai đoạn trên tiến triển tốt thì ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng này, dây cung sẽ giúp điều chỉnh và duy trì khớp cắn ổn định.
Nguyên nhân khiến dây cung đâm vào má là gì?
Có nhiều người băn khoăn rằng dây cung được cố định chắc chắn trong rãnh mắc cài thì làm sao lại có thể đâm vào má, lợi được? Điều này cũng không khó lý giải.
Thông thường, dây cung sẽ được cố định với mắc cài bằng thun, chỉ thép hoặc bằng nắp trượt tự động. Với các răng hàm phía trong như răng số 6, 7 thường gắn ben hoặc ống tuýp để chốt chặt đuôi dây cung, tránh cho dây thừa ra đâm vào má, lợi gây đau.
Cách tốt nhất giữ cho dây cung không đâm vào má là bẻ gập phần đuôi lại giúp dây không bị trôi ra phía trước trong quá trình niềng răng. Hoặc có một cách khác là cố định chắc chắn bằng composite. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bác sĩ không chốt chặt phần đuôi dây cung, không bẻ gọn lại, thậm chí cắt dây cung không sát.
Khi răng di chuyển trong quá trình niềng sẽ tạo ra một vài thay đổi nhỏ và khiến đầu dây cung ở vị trí trong cùng thừa ra đâm vào cạnh má, gây ra nhiều khó chịu cho người niềng răng.
Dây cung đâm vào má có nguy hiểm không?
Dây cung đâm vào má chắc chắn sẽ gây khó chịu cho bạn. Trong trường hợp dây cung chạm nhẹ thì bạn sẽ cảm thấy hơi rát và đau một chút. Nếu dây cung đâm mạnh hơn có thể dẫn đến chảy máu. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài mà không xử lý thì có thể vết thương sẽ bị viêm nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng.
Với những bạn nhỏ đang niềng răng, ba mẹ cần hết sức lưu ý vì trẻ thường hiếu động, nghịch ngợm, nếu không xử lý tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm.
Cách xử lý tạm thời thế nào?
Nếu bị dây cung đâm vào má, bạn cần sát trùng vết thương bằng nước muối và sau đó tới ngay nha khoa để được bác sĩ điều chỉnh lại dây cung. Nếu chưa thể đi khám, bạn có thể làm theo những cách xử lý tạm thời sau nhé.
Sử dụng sáp nha khoa
Sáp nha khoa là lựa chọn phổ biến nhất để giảm bớt cảm giác khó chịu khi niềng răng hoặc dây cung đâm vào má. Sáp nha khoa sẽ giúp bạn tạo một lớp ngăn cách giữa phần dây cung thừa với niêm mạc bên trong, ngăn không cho chúng cọ vào má gây ra vết loét.
Cách sử dụng sáp nha khoa:
Bước 1: Chuẩn bị sáp nha khoa. Bạn có thể mua sáp ở nha khoa hoặc hiệu thuốc.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi tiến hành gắn sáp lên phần đang bị kích ứng. Việc này sẽ giúp bạn loại bỏ các mảng bám, vụn thức ăn trước khi sử dụng sáp. Sau khi làm sạch, giữ cho phần dây cung thật khô, cố gắng không để môi và má chạm vào dây cung. Như thế sáp sẽ bám chắc và giữ được lâu hơn.
Bước 3: Vệ sinh tay sạch sẽ và lau khô tay.
Bước 4: Lấy một lượng sáp nhỏ có kích thước bằng hạt đậu và vo tròn lại.
Bước 5: Ấn nhẹ miếng sáp vào phần dây cung thừa ra
Nếu sáp bị tuột ra thì bạn lại thực hiện các thao tác trên để gắn lại. Tốt nhất là bạn nên sử dụng sáp nha khoa cho tới khi đến được nha khoa để xử lý phần dây cung thừa.
Nếu chẳng may nuốt phải sáp nha khoa thì bạn cũng không cần quá lo lắng vì loại sáp này an toàn với sức khỏe. Trước khi ăn, bạn có thể bỏ phần sáp cũ ra ngoài. Sau khi ăn xong, bạn lại vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ rồi sử dụng miếng sáp mới.
Dụng cụ bảo vệ môi
Ngoài sáp nha khoa, bạn có thể sử dụng dụng cụ bảo vệ môi nếu như gặp phải tình trạng dây cung đâm vào cả môi và má. Dụng cụ này sẽ giúp bạn loại bỏ cảm giác khó chịu, tránh cho môi, má bị xước. Miếng bảo vệ môi là miếng đệm trong suốt, linh hoạt có thể bao phủ khoang miệng. Sản phẩm này quen thuộc với những vận động viên nhưng nếu cần thiết bạn mua để sử dụng cũng được nhé.
Bôi gel hoặc thuốc tê
Có một số loại gel có thể chữa lành kích ứng khi dây cung đâm vào má. Gel này còn giúp điều trị vết loét hoặc những vết xước nhỏ bên trong miệng của bạn. Trước khi bôi gel, bạn cần rửa tay thật sạch sẽ và làm sạch khoang miệng. Sau đó lấy 1 lượng vừa đủ và thoa vào vết thương.
Gel gây tê cũng giúp làm giảm bớt cảm giác khó chịu. Bạn có thể mua Orajel hoặc Anbesol ở hầu hết các hiệu thuốc. Có thể bôi thuốc 3 – 4 lần/ ngày.
Sử dụng nước muối
Một cốc nước muối ấm cũng sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác khó chịu trong miệng khi dây cung cọ xát vào má. Bạn cho khoảng nửa thìa muối vào nước ấm và khuấy đều đến khi tan hoàn toàn. Sau đó súc miệng trong khoảng 30s mỗi lần rồi nhổ ra. Lặp lại quá trình này cho đến khi hết nước muối hoặc đến khi miệng bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý không nên cho quá nhiều muối vì điều đó có thể gây rát miệng, khiến vết thương xót hơn.
Các dụng cụ sửa dây cung
Để sửa dây cung khi đâm vào má, bạn có thể sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau như:
- Dùng bút chì có cả đầu tẩy: Phương pháp này cũng khá hiệu quả. Bạn tìm đoạn dây cung thừa trong miệng trước. Nếu là loại dây mảnh, hãy dùng phần đầu tẩy nhẹ nhàng đẩy dây để uốn cong vào phía trong.
- Dùng nhíp: Nếu dây cung bị tuột ra khỏi mắc cài, bạn có thể dùng nhíp để sửa lại. Trước tiên, bạn cần làm sạch đầu nhíp. Sau đó dùng nhíp kẹp lấy phần cuối của dây cung rồi đưa chúng trở lại lên mắc cài.
- Dùng nhíp và kìm: Bạn cũng có thể dùng nhíp để uốn cong phần dây cung vào phía trong hoặc dùng kìm cắt phần thừa đi. Hãy cẩn thận khi lấy dây cung thừa ra khỏi miệng.
Cách hạn chế sự cố khi niềng răng mắc cài
Thứ nhất là hạn chế ăn các đồ ăn quá cứng, dai, dính,…cũng như là vận động quá mạnh khiến dây cung bị bung, tuột ra khỏi mắc cài và làm xước lợi, má. Tốt nhất là khi chưa tới nha khoa để xử lý được thì bạn nên ăn các loại đồ ăn mềm, lỏng, dễ nhai như súp, cháo,… Tránh các thực phẩm quá cứng, quá dẻo, quá dính như táo, ổi, ngô luộc, đá viên, xương sụn, gân,…
Thứ hai là vệ sinh răng miệng đúng cách. Hãy sử dụng các bàn chải chuyên dụng như bàn chải kẽ, bàn chải rãnh để chải sạch vụ thức ăn giắt trong kẽ răng, kẽ mắc cài,… Sử dụng thêm máy tăm nước để răng miệng được làm sạch tối đa nhất. Khi chải răng, hãy dùng bàn chải có lông mềm kết hợp với kem đánh răng có chứa fluor tốt cho men răng, thao tác thật nhẹ nhàng, chải dọc theo bề mặt của răng. Thay bàn chải 3 tháng/ lần. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa, nước súc miệng tăng hiệu quả làm sạch răng miệng.
Thứ ba là tái khám đúng lịch. Điều này giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng và tốc độ dịch chuyển của răng, đồng thời kịp thời xử lý các sự cố như tuột dây cung, dây cung chọc má,…tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như quá trình niềng răng sau này,
Nếu bạn không muốn tới nha khoa xử lý các sự cố niềng răng thì có thể lựa chọn phương pháp niềng răng Invisalign, vừa thẩm mỹ lại vừa thoải mái, thuận tiện trong suốt quá trình niềng.
Theo: Nha Khoa Thúy Đức