Đại tràng là phần ruột quan trọng trong hệ tiêu hóa, thực hiện chức năng tiêu hóa thức ăn từ ruột non xuống, hấp thụ nước và muối khoáng, thải chất cặn bã ra ngoài. Chính vì là nơi lưu trữ chất thải nên đại tràng dễ bị viêm nhiễm. Viêm đại tràng mãn tính có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Trong bài viết này, mời các bạn tìm hiểu biến chứng của viêm đại tràng mãn tính và phương pháp điều trị.
Mục lục
Biến chứng của viêm đại tràng mãn tính
Bệnh diễn tiến càng lâu dài đặc biệt ở người bệnh tuổi càng cao nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm càng tăng lên. Một số biến chứng có thể xảy ra:
Tình trạng xuất huyết ồ ạt
Khi niêm mạc của đại tràng bị tổn thương khó hồi phục lại, tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng khiến lớp lông nhung trơ trụi. Đối với những người bệnh có chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích, dùng kháng sinh quá mức…dẫn tới xuất huyết ồ ạt hoặc đại tràng bị nhiễm độc.
Thủng đại tràng
Sau nhiều đợt điều trị bằng kháng sinh khiến các lợi khuẩn ở đường ruột bị tiêu diệt, lớp lông nhung trơ trọi. Các vết loét viêm đại tràng càng ăn sâu và bào mỏng thành đại tràng. Tới một lúc nào đó gây thủng đại tràng, trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tới tính mãng.
Giãn đại tràng cấp tính
Khi mắc viêm đại tràng mãn tính, chức năng tiêu hóa của đại tràng bị suy giảm. Không chỉ một vài tổn thương mà toàn bộ cấu trúc của đại tràng bị giãn dẫn tới nguy cơ loét và thủng đại tràng. Giãn đại tràng cấp tính có thể khiến người bệnh đau bụng dữ dội, hôn mê, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mãng.
Ung thư đại tràng
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đại tràng, ở nước ta tỷ lệ biến chứng này xảy ra rất lớn. Khi niêm mạc đại tràng bị viêm loét kéo dài, tái phát liên tục khiến tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ loạn sản chuyển sang dạng ác tính sau đó phát triển thành ung thư. Quá trình phát triển này tích lũy kéo dài từ 7 – 10 năm.
Nguyên nhân mắc viêm đại tràng mãn
Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là tình trạng viêm đại tràng cấp do nhiễm khuẩn các vi khuẩn (E.coli gây tiêu chảy, Klebsiella…) hay các ký sinh vật (lỵ amíp…) qua chế độ ăn uống hàng ngày nhưng không được điều trị dứt điểm gây ra tình trạng kháng thuốc hoặc điều trị không đúng cách gây ra tình trạng loạn khuẩn.
Với những người cao tuổi sức đề kháng ngày càng suy giảm, dễ mắc táo bón do uống ít nước, ít vận động càng dễ gặp phải tình trạng viêm đại tràng mãn.
Những người lớn tuổi uống nhiều rượu bia, ăn nhiều gia vị (ớt, hạt tiêu,…) hoặc do ăn uống không điều độ, không hợp vệ sinh là những yếu tố thuận lợi khiến đại tràng bị viêm mãn tính.
Khi đại tràng bị viêm ở cả dạng cấp và mãn tính khiến niêm mạc, dưới niêm mạc bị viêm phù nề hoặc có vết xước lâu dầu sẽ gây loét, có ổ loét sâu, ở đấy có nhầy, mủ, máu tình trạng xấu dần đi nếu không được chữa trị kịp thời. Hậu quả khi bị mắc viêm đại tràng mãn làm cho người bệnh cảm thấy lo lắng khi mắc rối loạn tiêu hóa kéo dài, ăn uống không tiêu, tình trạng ăn uống kiêng khem lâu dài khiến cơ thể suy nhược. Trường hợp nguy hiểm hơn, viêm đại tràng mãn có thể dẫn tới u đại tràng thậm chí u ác tính.
Điều trị viêm đại tràng mãn tính
Nguyên tắc điều trị
Để điều trị bệnh hiệu quả người bệnh cần được xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó có phác đồ để điều trị hiệu quả. Khi có biểu hiện của viêm đại tràng, trước tiên người bệnh cần tới những trung tâm y tế uy tín để thăm khám, nội soi đại tràng, nội soi tiêu hóa để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
Người bệnh cần lưu ý, không nên tự ý điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc không đúng và không phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn, thậm chí gây ra kháng thuốc gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Viêm đại tràng khi ở giai đoạn nhẹ có thể sử dụng thuốc và theo dõi bệnh định kỳ. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn nặng sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật.
Viêm đại tràng chuyển biến sang giai đoạn mãn tính điều trị gặp nhiều khó khăn. Các phương pháp điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng tạm thời mà không điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, bệnh thường dễ tái đi tái lại nhiều lần, càng khiến người bệnh khó chịu.
Điều trị viêm đại tràng mãn tính cần đảm bảo nguyên tắc chung là kết hợp điều trị nội khoa toàn diện, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và làm việc hợp lý. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có liệu trình điều trị khác nhau.
Điều trị bằng thuốc
Một số thuốc sử dụng trong điều trị viêm đại tràng như:
Thuốc kháng sinh: Dùng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn như Berberin, Biseptol, Ercefuryl…Mục đích nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm lây lan và kiểm soát tình trạng rối loạn đại tiện.
Thống chống ký sinh trùng và nấm: Một số thuốc thường dùng như Nystatin, Flagyl, Klion, Fugacar… Chúng có khả năng diệt trừ những vi khuẩn gây bệnh có hại cho đường ruột.
Thuốc chống miễn dịch: Đó là Corticoid…. thường dùng trong điều trị viêm đại tràng mãn ở giai đoạn đầu. Bác sĩ có thể kết hợp nhóm thuốc này với Azathioprine và Mercaptopurine để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc giảm đau và chống co thắt: Các loại thuốc thường thấy là Papaverin, No-spa, Spasmaverine…để cải thiện triệu chứng tiêu chảy và đau quặn bụng.
Phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc phù hợp, kê đơn theo toa để theo dõi tình trạng của bệnh.Trong một số trường hợp, sử dụng biện pháp điều trị nội khoa không có tiến triển người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định khi bác sĩ phát hiện thấy ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư trong quá trình nội soi đại tràng. Hoặc được dùng trong những trường hợp cần kíp như xảy ra các biến chứng thủng đại tràng, chảy máu nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng.
Điều trị lối sống
Chủ yếu người bệnh mắc viêm đại tràng khi tuổi đã cao nên cần có một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Cụ thể:
Về chế độ dinh dưỡng
- Không nên ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi và các loại thực phẩm chưa được nấu chín
- Bổ sung rau xanh, các loại trái cây vào trong bữa ăn hàng ngyà như đu đủ chín, xoài,…
- Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày (1,5 – 2 lít nước)
- Không nên ăn quá no, ăn chậm nhai kĩ để giảm tải cho hệ tiêu hóa
- Tránh xa những chất kích thích, rượu bia, đồ uống có gas,…
Về chế độ vận động
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe và tăng sức đề kháng
- Cần có thời gian thư giãn và nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức
- Tránh xa stress, căng thẳng, luôn có tinh thần vui vẻ thoải mái và lạc quan trong cuộc sống
Lưu ý: Với người cao tuổi bị viêm đại tràng mãn tính thường mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thậm chí bỏ bữa hoặc kiêng khem quá mức dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì vậy, người nhà cần động viên, giúp đỡ, đặc biệt đối với người cao tuổi sức yếu, đi lại khó khăn.